"Bức tranh" điểm đến Hội An 2024

18/12/2024

Dù đón lượng khách không đạt kế hoạch nhưng nhìn chung các điểm đến trên địa bàn TP.Hội An có một năm vận hành khá khởi sắc, hướng đến phát triển bền vững.

img_3692.jpeg

Lượt khách mua vé tham quan Khu phố cổ Hội An chỉ đạt khoảng 86% đề ra trong năm 2024. Ảnh: Q.T

Khởi sắc điểm đến phụ cận

Năm 2024, Hội An đón hơn 4,4 triệu lượt khách, đạt khoảng 95% kế hoạch đề ra hồi đầu năm (hơn 4,6 triệu lượt). Điều này cũng dẫn đến lượng khách mua vé tham quan trên địa bàn thành phố không đạt mục tiêu đề ra ở cả hai phân khúc khách quốc tế và khách nội địa.

Chỉ tiêu lượt khách mua vé tham quan của Hội An năm nay không đạt chủ yếu do Khu phố cổ Hội An (điểm đến có lượng khách mua vé tham quan lớn nhất với hơn 1,72 triệu lượt) chỉ đạt khoảng 86% lượt khách mua vé theo kế hoạch. Đây là vấn đề đáng lưu tâm cần sớm có giải pháp để cải thiện trong thời gian tới.

Ở các điểm đến có bán vé tham quan khác trên địa bàn thành phố đều đạt hoặc vượt. Trong đó, khách mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà (670 nghìn lượt) và làng rau Trà Quế (24,5 nghìn lượt) vừa tròn 100% kế hoạch. Lượng khách mua vé tham quan rừng dừa Bảy Mẫu (920 nghìn lượt) và Cù Lao Chàm (217 nghìn lượt) vượt kế hoạch đề ra và tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Một điểm nhấn đáng chú ý là lượng khách đến tham quan làng mộc Kim Bồng ghi nhận sự tăng trưởng tốt với khoảng 9.000 lượt khách ghé thăm trong năm 2024, nhất là sau khi chính quyền triển khai hoạt động hướng dẫn tham quan tại đây từ hồi tháng 6.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, dù không đạt chỉ tiêu về lượng khách nhưng có một số tín hiệu tích cực qua con số thống kê. Trong số hơn 4,4 triệu lượt khách đến Hội An thì có hơn 3,5 triệu lượt khách mua vé tham quan, đây là một tỷ lệ rất cao.

Công suất sử dụng phòng đạt 46%, thấp hơn một chút so với năm ngoái tuy nhiên cần nhìn nhận là năm nay có khá nhiều cơ sở lưu trú đi vào hoạt động cũng như vận hành trở lại, nên nhìn tổng thể tình hình lưu trú khách tại Hội An tiếp tục được cải thiện.

Củng cố điểm đến bền vững

Năm nay, các điểm đến trên địa bàn thành phố tiếp tục có những chuyển động hướng đến phát triển bền vững. Tại Cù Lao Chàm đã thí điểm cấp chứng nhận cơ sở thân thiện với đa dạng sinh học để khuyến khích cơ sở lưu trú vận hành theo hướng xanh; nhiều điểm đến ở Cẩm Kim cũng có sự khởi sắc nhờ vào gói hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Khách nội địa tham quan làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An). Ảnh: Q.T

Lượng khách tham quan làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) ghi nhận sự khởi sắc trong năm 2024. Ảnh: Q.T

Các hoạt động này được triển khai từ sự hỗ trợ của dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam”.

Trong khi đó, hoạt động thuyền thúng ở Cẩm Thanh cơ bản được sắp xếp lại sau khi thành lập HTX dịch vụ thúng chai rừng dừa Cẩm Thanh. Trong năm, Hội An cũng quyết định xây dựng tuyến tham quan tại làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà và Cù Lao Chàm. Điểm nhấn lớn trong năm là làng rau Trà Quế được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất” năm 2024.

Theo gợi ý, khuyến khích của Bộ VH-TT&DL, trong thời gian đến TP.Hội An có kế hoạch tiếp tục củng cố, xây dựng hồ sơ cho điểm đến rừng dừa Cẩm Thanh để ứng cử gia nhập mạng lưới các làng nông nghiệp, nông thôn tốt nhất thế giới theo hướng làng ngư nghiệp với những ngành nghề sản xuất, hoạt động du lịch liên quan đến sông nước.

“Năm nay du lịch Hội An tiếp tục nhận được nhiều vinh danh từ các tổ chức quốc tế, dù có những nhận định về việc bão hòa danh hiệu nhưng thực ra đó là sức mạnh mềm trong du lịch của Hội An, góp phần rất tốt để các điểm đến thu hút thêm khách. Điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện môi trường điểm đến và chất lượng sản phẩm để xứng đáng với các danh hiệu đó” - ông Nguyễn Văn Lanh nói.

https://baoquangnam.vn/buc-tranh-diem-den-hoi-an-2024-3146000.html


Z