Bánh Tổ Hội An, hương vị ngọt ngào ngày Tết

05/02/2024
Cứ mỗi dịp Tết đến, người dân Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng lại háo hức chuẩn bị rất nhiều loại bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh thuẫn, bánh in… đặc biệt hương vị ngọt ngào bánh Tổ đã góp phần tạo nên nét đặc trưng văn hóa ẩm thực xứ Quảng. 

Ở Hội An, bánh Tổ từ lâu đời đã trở thành loại bánh truyền thống và được làm thủ công rất công phu. Mặc dù có thể ăn quanh năm, nhưng người dân nơi đây quan niệm rằng bánh Tổ tượng trưng cho sự đầy đủ, sung túc và khi thờ cúng bánh Tổ trong dịp Tết, người ta như nhận được lời chúc phúc, may mắn từ ông bà tổ tiên gửi đến con cháu, hy vọng một năm mới vẹn tròn, thịnh vượng.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cách thức riêng để tạo nên đặc trưng cho loại bánh quê này. Bánh tổ Hội An được làm từ bột nếp, đường, gừng và mè. Bột nếp được lựa chọn để làm nên chiếc bánh tổ thơm ngon phải đạt tiêu chuẩn như trắng, thơm và khi nấu lên phải có độ dẻo nhất định. Bên cạnh đó, đường góp mặt trong việc làm bánh tổ phải được làm từ đường nguyên chất để giữ được vị ngọt thanh. Cuối cùng, để tăng hương vị cho bánh tổ, người dân còn cho thêm vài lát gừng để kích thích vị giác và sau cùng là rắc mè để tăng độ thơm, ngậy cũng như là để trang trí cho chiếc bánh thêm đặc sắc và bánh được đựng trong chiếc ô bằng lá chuối.

Ngày nay, nghề làm bánh Tổ Hội An còn được lưu truyền, gìn giữ nhiều nhất là ở khu vực Thanh Hà và Cẩm Nam. Bánh tổ Hội An được bày bán khắp nơi nên người dân địa phương cũng như khách du lịch có thể dễ dàng mua tại các khu chợ lớn nhỏ, phổ biến như chợ Hội An, chợ Tân An, chợ cá Thanh Hà… 

Một số hình ảnh làm bánh Tổ Hội An

 

Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam

Z